Thị trường Tín chỉ Carbon tại Việt Nam
Last updated
Last updated
Thị trường Tín chỉ Carbon ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, được kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ trở thành một trong top 5 thế giới về Tín chỉ Carbon. Việc phát triển thị trường carbon tại Việt Nam sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Chính phủ Việt Nam đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thị trường Tín chỉ Carbon, đặc biệt trong bối cảnh cam kết giảm phát thải theo COP26 và COP28. Dự kiến sẽ thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025.
Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã tích cực tham gia các dự án giảm phát thải và sử dụng tín chỉ carbon như một phương tiện quản lý rủi ro và cải thiện hình ảnh xã hội.
Tiềm năng thị trường carbon của Việt Nam được chú ý trên các dự án và chính sách liên quan. Dưới đây là một số điểm nhấn về tiềm năng thị trường carbon của Việt Nam:
Với hơn 14.7 triệu hecta rừng và tỷ lệ che phủ rừng 42.02%, Việt Nam tận dụng nguồn lực thiên nhiên để tạo ra tín chỉ carbon. Thúc đẩy hơn 300 chương trình và dự án trao đổi tín chỉ carbon, với khoảng 150 chương trình thu được 40.2 triệu tín chỉ, tham gia tích cực vào thị trường carbon toàn cầu.
Đứng thứ 4 về số lượng dự án CDM đăng ký nhiều nhất trên thế giới, Việt Nam dự kiến có thể bán ra khoảng 57 triệu tín chỉ carbon, mang lại hàng trăm triệu USD mỗi năm với giá 5 USD/tín chỉ.
Chuẩn lượng phát thải khí CO2 cao hơn thế giới: Trung bình để sản xuất 10 triệu tấn thép, các nhà máy tại Việt Nam phát thải ra môi trường khoảng 21 triệu tấn khí CO2. Theo ước tính, đến năm 2025, phát thải toàn ngành thép ước khoảng 122,5 triệu tấn CO2 và đến năm 2030 tăng lên khoảng 133 triệu chiếm 17% tổng khí phát thải toàn quốc.
Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường carbon nội địa, cũng như cơ hội để liên kết với các thị trường khác trong khu vực và thế giới.
Tín chỉ Carbon là một trong những cách thức cần thiết để tiến đến phát thải ròng bằng 0 như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị các bên COP26.
Việt Nam đã tiến gần hơn với thị trường tín chỉ Carbon và đã có nhiều chứng chỉ carbon khác nhau được phê duyệt bởi các tiêu chuẩn như UNFCCC, Tiêu chuẩn Chứng nhận Carbon của VERRA và Gold Standard. Việt Nam đã có hơn 300 chương trình, dự án đăng ký thực hiện tín chỉ carbon từ dự án "theo cơ chế phát triển sạch" (CDM). Doanh thu từ mua bán tín chỉ carbon là nguồn lực quan trọng để Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ phát triển thị trường tín chỉ carbon, hoàn thiện cơ sở pháp lý, vận hành sàn giao dịch carbon.
PHÁP LÝ GIAO DỊCH TÍN CHỈ CARBON TỰ NGUYỆN
Theo Thông tư số 23/2023/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, căn cứ vào khoản 1 Điều 139 của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, các cơ sở phát thải khí nhà kính được quy định tại khoản 3 Điều 91 của Luật này phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và có quyền thực hiện trao đổi, mua bán trên thị trường các-bon trong nước.
Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 61 của Luật Lâm nghiệp, Tín chỉ Carbon được xem là dịch vụ môi trường rừng có thể được khai thác hợp pháp. Bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng được quy định trong khoản 2 Điều 62 của cùng Luật, và theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng cũng phải chi trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Cuối cùng, việc phê duyệt xây dựng tín chỉ carbon cho lâm trường được tỉnh phê duyệt, là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện và hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của môi trường và kinh tế.
Để thị trường Carbon vận hành hiệu quả cần phải xây dựng đồng thời 4 trụ cột
1. Hàng hóa hay Tín chỉ Carbon hay hạn mức phát thải;
2. Bên mua và bán tín chỉ, các cơ sở, doanh nghiệp có hạn mức phát thải được phân bổ cũng như các bên tạo lập Tín chỉ Carbon khác;
3. Tổ chức và cấu trúc thị trường - Thị trường tuân thủ và thị trường tự nguyện;
4. Hệ thống giám sát, quản lý thị trường.